http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/53490
Vài nét đại cương về nghiệp theo
giáo lý Phật giáo
Nghiệp tiếng Phạn là karma hay karman, tiếng Pali là kamma,
có nghĩa là một "hành động", một "hành vi". Vần kar (car)
trong chữ karma có nghĩa là "hành động", "tác động", và
cũng là vần gốc làm phát sinh ra chữ creare trong tiếng La-tinh, chữ creare lại
biến thành créer khi chuyển sang tiếng Pháp và chữ create trong tiếng Anh, tất
cả các chữ này đều có nghĩa là tạo ra, gây ra... Tóm lại có thể hình dung karma
như là một động lực thúc đẩy để tác tạo một cái gì đó.
Phật giáo Tây phương không dịch chữ này mà dùng thẳng tiếng
Phạn là karma hay karman hoặc tiếng Pali là kamma. Ngày nay chữ karma đã trở
thành một từ thông dụng trong các ngôn ngữ Tây phương và các tự điển phổ thông
đều có nêu lên và giải thích từ này. Nói thế để thấy rằng ngày nay đối với nền
văn hóa phương Tây khái niệm về nghiệp đã trở nên phổ cập.
Thế nhưng đối với quảng đại quần chúng Tây phương và có thể
cả Á đông, nghiệp đôi khi được hiểu như một thứ định mệnh, một hình phạt đeo
sát người "tạo ra" nó như bóng với hình. Khi nghe nói đến nghiệp họ
thường liên tưởng đến một cái gì đó thật tệ hại mà họ phải gánh chịu. Đối với
những người có đôi chút kiến thức về Đạo Pháp thì nghiệp tượng trưng cho một
khía cạnh vận hành nào đó của một quy luật tổng quát gọi là quy luật
"nguyên nhân - hậu quả". Đấy là một quy luật tự nhiên, mang tính cách
toàn cầu và không nhất thiết tượng trưng cho một sự áp đặt. Người tu tập đúng
đắn chẳng những không sợ hãi quy luật ấy mà còn biết dùng nó để hành động một
cách chân chính để thực hiện những quyết tâm và ước vọng của mình hầu mang lại
hạnh phúc cho chính mình và người khác.
Tuy nhiên cách hiểu trên đây về nghiệp cũng đã được đơn giản
hóa rất nhiều, vì thật ra nghiệp hàm chứa nhiều khía cạnh phức tạp liên quan
đến nhiều khái niệm khác trong giáo lý Phật giáo. Thật vậy đối với Phật giáo,
khái niệm về nghiệp không đơn thuần tượng trưng cho một chuỗi tiếp nối giữa
những nguyên nhân ngẫu biến mang lại những hậu quả tất yếu mà con người phải
gánh chịu một cách thụ động, mà cũng không quan niệm nghiệp là một thứ định
mệnh an bài mang tính cách tiền định và thiêng liêng. Thật vậy, nếu hiểu đúng
những lời giáo huấn của Đức Phật thì nghiệp chính là một sự cảnh giác, một niềm
hy vọng lớn lao, một cách ý thức trách nhiệm đối với chính mình và người khác.
Văn hóa Tây phương chịu ảnh hưởng nặng nề về một định đề
triết học và tôn giáo lâu đời dựa trên nền tảng chủ nghĩa cá nhân, tức xem con
người là duy nhất, khác biệt nhau và tách rời khỏi thế giới chung quanh. Sự
hiểu biết về nghiệp của một số người Tây phương do đó đôi khi cũng trở nên đơn
giản và máy móc. Thật vậy, ta sẽ không thể nào hiểu được nghiệp nếu chỉ biết
đơn giản căn cứ vào sự phân biệt giữa "cái tốt" và "cái
xấu", "cái đúng" và "cái sai". Cách suy luận như thế
quả thật quá đơn sơ và thô thiển để có thể hiểu được khái niệm về nghiệp một
cách thỏa đáng.
Cái Lôgic (hay sự hợp lý) của nghiệp thực sự không mang tính
cách trực tiếp tức hướng theo một đường thẳng - hoặc tích cực hoặc tiêu cực -
mà đúng hơn đấy là một sự tương tác vô cùng phức tạp giữa vô số hiện tượng, vừa
vật-chất và phi-vật-chất, xuyên qua không gian và thời gian, liên quan đến lãnh
vực nội tâm của một cá thể và cả thế giới hiện thực bên ngoài. Vậy nghiệp thực
sự là gì ?
Trước hết nghiệp có nghĩa là một sự chủ tâm, một ý định
(intention), một tác động tâm thần mang tính cách duy ý còn gọi là tác ý
(volition), tiếng Phạn là cetana. Tác ý hay sự chủ tâm (cetana) là một trong
sáu khả năng căn bản của tâm thức gọi là tri thức tâm thần (manovijnana), năm
tri thức kia là năm tri thức giác cảm. Tri thức tâm thần luôn luôn sinh động
trong tâm trí của một cá thể và hàm chứa khả năng cảm nhận một vật thể hoặc một
biến cố thuộc ngoại cảnh, hoặc một hình ảnh phát sinh trong tâm thức. Các đối
tượng vừa kể khi được cảm nhận bởi tri thức sẽ làm nảy sinh ra xúc cảm. Xúc cảm
hiển lộ dưới thể dạng một hành vi tâm thần, tức một sự duy ý hay tác ý và đấy
chính là nghiệp. Nói cách khác nếu sự cảm nhận của ngũ giác và tri thức khi
tiếp xúc với đối tượng nhưng không làm phát sinh ra ý định, duy ý hay tác ý thì
sẽ không tạo ra nghiệp, chẳng hạn như sự tiêu hóa, bài tiết, kể cả các giác cảm
và sự nhận thức đơn thuần.
Tóm
lại sự chú tâm, ý định hay tác ý giữ vai trò hướng tâm thức vào một đối tượng
thuộc bối cảnh bên ngoài hay một hình ảnh trong tâm thức, do đó người ta có thể
định nghĩa nghiệp là một sự chuyển động hay một động tác. Sự chuyển động của
nghiệp tác động liên tục trên dòng chảy của tâm thức. Vì thế nếu không chủ động
được sự tác động của dòng lưu chuyển đó thì một cá thể sẽ liên tục tạo nghiệp
cho chính mình.
Nghiệp gồm có bốn thể tánh hay đặc
tính như sau
:
1-
Thể tánh quyết định của nghiệp : nghiệp mang tính cách quyết định tức có nghĩa
là quả luôn luôn mang cùng một bản chất với nghiệp làm phát sinh ra nó.
2-
Sự tăng trưởng của nghiệp : nghiệp luôn luôn sinh động, trong trường hợp nếu
nghiệp không được tinh khiết hóa thì nó sẽ liên tục tăng trưởng cho đến khi nào
gặp được các điều kiện thích nghi khiến cho nó phát sinh ra quả.
3-
Nghiệp không thực thi (không hoàn tất) : nếu không hề có tác ý, cũng không hề
có hành động thì đương nhiên cũng sẽ không có một hậu quả nào xảy ra.
4-
Nghiệp đã hoàn tất : nghiệp khi đã hoàn tất sẽ không thể tan biến đi được và
nhất định nó sẽ tạo ra quả vào một thời điểm nào đó, tất nhiên là trừ trường
hợp nghiệp ấy đã được hóa giải hay tinh khiết hóa bằng sự tu tập.
Bản sắc và cường độ của nghiệp
Tùy
theo bản chất của ý định và hành động, nghiệp sẽ mang các sắc thái và cường độ
khác nhau :
-
Hành động đạo hạnh hay trong trắng (kusalakarma) : hậu quả mang lại sẽ tốt lành
và thuận lợi.
-
Hành động tiêu cực hay đen tối (akusalakarma) : hậu quả mang lại sẽ là khổ đau.
-
Hành động trung hòa (avyakrtakarma) : hậu quả mang lại không hạnh phúc cũng
không khổ đau.
Các đặc tính như thuận lợi hay bất thuận lợi không nhất
thiết liên hệ hay tương quan với các nguyên tắc đạo đức quy định bởi nền luân
lý quy ước và độc đoán do con người thiết đặt, mà tùy thuộc vào bản chất đích
thực của chính hành động thực thi. Bản chất đó được xác định căn cứ vào chủ
đích của động cơ thúc đẩy một chủ thể hành động với mục đích tạo ra sự tốt lành
hay khổ đau cho các chúng sinh khác, thí dụ như cứu giúp kẻ khốn cùng vì lòng
từ bi hoặc sát sinh vì hung ác.... Vì thế nếu muốn xác định bản chất đích thực
của nghiệp thì phải phân biệt thật rõ rệt bản chất của ý định hay sự chủ tâm là
gì và bản chất của hành động thực thi là gì.
Thí
dụ :
-
Ý định trong trắng và hành động trong trắng : chẳng hạn như ý định trong trắng
phát xuất từ lòng từ bi và hành động trong trắng nhằm giúp đỡ người khác tránh
khỏi khổ đau.
-
Ý định trong trắng nhưng hành động đen tối : Ý định trong thâm tâm mang tính
cách tích cực, thế nhưng hành động phát lộ bên ngoài là sự nghiêm khắc và giận
dữ nhằm mục đích cảnh giác và làm thức tỉnh người khác.
-
Ý định đen tối nhưng hành động trong trắng : cho một người nào đó một thứ gì
nguy hại, chẳng hạn như biếu rượu cho người say sưa, hoặc giả vờ hiền lành và
dễ thương nhằm mục đích lường gạt hoặc thực hiện một ý đồ ích kỷ nào đó.
-
Ý định đen tối và hành động đen tối : thí dụ một người nào đó bị các xung năng
tiêu cực thúc đẩy làm điều sai trái đối với người khác, chẳng hạn như nguyền
rủa hoặc gây thương tích cho người khác.
Title:
Tìm hiểu học thuyết về nghiệp trong đạo Phật | |
Authors: | Lê, Hữu Tuấn |
Keywords: | Tôn giáo Phật giáo Giáo lý Phật giáo Nghiệp |
Issue Date: | 2010 |
Publisher: | Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam |
Description: | Tạp chí nghiên cứu Phật học - Số 5/2010 ; 4 tr. ; TNS08309 |
URI: | http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/53490 |
Appears in Collections: | Nghiên cứu Phật học và Phật hoàng Trần Nhân Tông (LIC) |
Nhận xét
Đăng nhận xét