Quyền làm chủ của nhân dân trong hệ thống sắc lệnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945-1946



Sắc lệnh (Décret - tiếng Pháp) là thuật ngữ pháp lý phản ánh một trong những hình thức hay là nguồn cơ bản trong hệ thống pháp luật ở các quốc gia thuộc hệ thống (dòng họ) pháp luật châu Âu lục địa (Continetal Law). Đây là hệ thống pháp luật lớn nhất thế giới, được xây dựng trên nền tảng di sản của Luật La Mã (Jus civile), phát triển ở các nước Pháp, Đức và một số nước lục địa châu Âu. Trong đó, pháp luật của Pháp, Đức là quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn tới pháp luật của các nước khác trong hệ thống pháp luật này.


Sắc lệnh cũng được hiểu là mệnh lệnh, văn bản do người đứng đầu nhà nước (Chủ tịch nước hay Tổng thống) ban hành, quy định những điều quan trọng, có giá trị như một văn bản pháp luật do chính phủ ban bố, tất cả mọi người phải tuân theo. Ở Pháp,sắc lệnh do Tổng thống ban hành (từ năm 1958, Thủ tướng Pháp cũng có thể ban hành) có hiệu lực thấp hơn luật. Tuy nhiên, có những sắc lệnh được ban hành thuộc lĩnh vực luật theo sự ủy quyền của Nghị viện thì có hiệu lực như luật gọi là Sắc lệnh-luật (Décret-Loi).
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền T.Ư của Nhà nước Việt Nam DCCH mới có Chính phủ lâm thời được thành lập từ Quốc dân đại hội Tân Trào ( 16-8-1945 ) và Việt Nam đã trở thành nước tự do độc lập nhưng chưa được quốc gia nào công nhận. Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc rằng, chỉ sau khi có một Quốc hội được bầu bằng cuộc Tổng tuyển cử và Quốc hội thông qua Hiến pháp thì quyền lực nhà nước của nhân dân Việt Nam mới được xác lập về mặt pháp lý. Vì vậy, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị sớm tổ chức tổng tuyển cử và xây dựng hiến pháp nhằm trước hết ban bố quyền dân chủ của nhân dân và hợp thức hóa chính quyền do nhân dân lập nên sau Cách mạng Tháng Tám. Chính phủ đã quyết định tổ chức Tổng tuyển cử để sớm có một nhà nước hợp hiến do nhân dân bầu ra và ban hành một loạt sắc lệnh về bầu cử (khoảng 10 sắc lệnh) để tạo cơ sở pháp lý cho cuộc Tổng tuyển cử được tự do và dân chủ.

 
Mở đầu là Sắc lệnh 14 ngày 8-9-1945 v/v mở cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (tức bầu Quốc hội). Bản Sắc lệnh gồm 7 Điều đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan - chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử và chính thức ấn định trong thời hạn hai tháng (kể từ ngày ký sắc lệnh) sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu đại biểu Quốc hội với số lượng là 300 người. Tiếp theo, Sắc lệnh 39 ngày 26-9-1945 v/v lập một Ủy ban để thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử, quy định thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử và một Ủy ban khởi thảo Hiến pháp. Sau một tháng rưỡi, Ủy ban này đã soạn thảo xong bản Dự thảo để Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh 51 ngày 17-10-1945 v/v ấn định thể lệ cuộc tổng tuyển cử gồm 12 khoản, 70 điều. Đây là sắc lệnh quan trọng, cụ thể và đầy đủ nhất với những quy định thật sự tự do, dân chủ. Sắc lệnh này quy định việc tiến hành cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc theo các nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín, đồng thời ấn định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước vào ngày 23-12-1945.
Tuy nhiên, nhận thấy cần phải bổ sung một số vấn đề và để xúc tiến công tác chuẩn bị cụ thể cho việc Tổng tuyển cử nên ngày 2-12-1945 Chính phủ tiếp tục ban hành Sắc lệnh 71 v/v bổ khuyết Điều thứ 11 chương 5 đạo Sắc lệnh ngày 17-10-1945và Sắc lệnh 72 v/v bổ khuyết bảng số đại biểu từng tỉnh và thành phố đính theo Sắc lệnh ngày 17-10-1945 v/v bổ sung thể lệ Tổng tuyển cử để sửa đổi thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho người ứng cử, bổ sung số đại biểu được bầu cho một số tỉnh để nâng tổng số đại biểu Quốc hội lên 330 người.
Do giao thông đi lại khó khăn và để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân có quyền bầu cử thực hiện quyền tự do ứng cử, Sắc lệnh 71 còn sửa đổi quy định Điều 11 Sắc lệnh 51 để người ứng cử chỉ cần “gửi đơn ứng cử cho Ủy ban nhân dân (UBND) nơi mình trú ngụ” và “yêu cầu UBND ấy điện cho UBND tỉnh (thành phố) nơi mình xin ứng cử” thì đã được đưa tên vào danh sách ứng cử của tỉnh hoặc thành phố đó. Còn đơn và giấy chứng nhận đủ điều kiện ứng cử sẽ do UBND nơi trú ngụ chuyển sau cho UBND tỉnh, thành phố”.
Để tạo điều kiện cho những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử có đủ thời gian ứng cử và vận động tuyển cử, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh 76 ngày 18-12-1945 quyết định hoãn cuộc tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử cho đến ngày 27-12-1945. Do điều kiện thông tin, giao thông còn khó khăn, Sắc lệnh bổ sung thêm nơi nào lệnh hoãn không đến kịp, Chính phủ vẫn cho phép tiến hành Tổng tuyển cử theo quy định cũ là ngày 23-12-1945 và sẽ báo cáo ngay kết quả với Bộ Nội vụ.
Thực hiện các sắc lệnh trên và theo đúng kế hoạch, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I đã diễn ra sôi nổi và thắng lợi trên phạm vi cả nước; trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên quy mô cả nước và ngày hội của nhân dân. Kết quả, số cử tri trong cả nước tham gia bỏ phiếu đạt 89% (có nơi đạt 95%). Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử và bầu cử ở Hà Nội, Người được 98,4% số phiếu bầu. Mặc dù tổ chức trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất nhưng cuộc tổng tuyển cử đã thành công tốt đẹp, trở thành hiện thực sinh động của cuộc tổng tuyển cử dân chủ, tự do; đem lại quyền tự do dân chủ thực sự cho nhân dân và giá trị pháp lý cho bộ máy nhà nước (BMNN).
Mời các bạn quan tâm đến đề tài tìm hiểu luận văn cùng chủ đề “Quyền làm chủ của nhân dân trong hệ thống sắc lệnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945-1946” của tác giả Đỗ Thị Thu Ngân tại đường link http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/33914

Nhận xét