Minh vương Nguyễn Phúc Chu với việc phát triển Phật giáo đàng trong

http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/55172
Là đời Chúa thứ sáu[1] trong chín đời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Nguyễn Phúc Chu (NPC) (1675-1725) được tôn xưng là Quốc Chúa trong lúc sinh thời (1683). Sống trong giai đoạn đặc biệt của sự phát triển ở Đàng Trong, Nguyễn Phúc Chu vừa là một Minh Vương, vừa là một Phật tử có nhiều đóng góp cho sự du nhập và phát triển của Phật giáo Đàng Trong.

Qua hoạt động hộ quốc, an dân của Chúa NPC, nhất là sau cuộc gặp gỡ với hòa thượng Thạch Liêm từ Trung Quốc sang, Phật giáo Đàng Trong đã có điều kiện được mở rộng hơn, và cũng qua những họat động phật sự này, có thể góp phần làm rõ vị trí, vai trò của Chúa trong mối quan hệ với Phật giáo Đàng Trong.
Như vậy, dưới thời Chúa NPC, Phật giáo Đàng Trong là một nền Phật giáo phát triển hay đi vào suy thoái, hỗn lọan như hòa thượng Thạch Liêm đã nhận xét: “chẳng những “tôn phái” không ai hỏi đến, mà các việc “ Luật”, “Luận” cũng đều xếp xó bỏ qua” [2]?
 Bài viết tìm hiểu những đóng góp của Chúa NPC với Phật giáo Đàng Trong, qua đó cũng làm rõ tình hình Phật giáo Đàng Trong, góp phần nêu lên vai trò quan trọng của Phật giáo Bắc tông vào việc định hình nét riêng biệt, đặc thù của giai đọan Chúa NPC trong việc xác lập vương quyền và thần quyền của mình trên vùng đất mới này.
  1. Họat động của Chúa Nguyễn Phúc Chu với Phật giáo Đàng Trong
Trong hai thế kỷ 17 và 18, ở Đàng Trong các chúa Nguyễn đã tìm cách củng cố đế nghiệp của mình nhằm chống lại với họ Trịnh ở phương Bắc, đồng thời cũng nhằm bành trướng thế lực về phương Nam. Các chúa Nguyễn đã khôn khéo sử dụng nguồn nhân lực từ ngoài vào, những di dân gốc nhà Minh, để khai khẩn vùng đất mới, sử dụng họ như những đạo tiền quân, vừa khai khẩn lại vừa chống chọi với Chân Lạp. Thông thương giữa Trung Quốc và Đại Việt thời bấy giờ vì vậy đã trở nên cần thiết, đặc biệt là hệ thống đường thủy. Tu sĩ và thương nhân từ Trung Quốc có thể đi thẳng vào Đàng Trong, vì thế cảng Hội An đã trở thành một thương cảng quốc tế tấp nập, để thông thương bằng đường biển với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ v.v.
Mặt khác, Nho giáo đã không còn là thế lực, là chổ dựa vững chắc cho sự tồn tại của nhà Lê. Nhu cầu Phật giáo ngày càng quan trọng. Trong bối cảnh luồng sóng thông thương từ Trung Quốc và Nhật Bản vào Đại Việt, Phật giáo Đại thừa (Mahayana) cũng theo di dân bành trướng đến miền Trung nước Đại Việt. Sách Đại Nam Thực Lục (Tiền biên-Quyển VIII) cho biết “Giáp Ngọ, năm thứ 23 [1714]…mùa hạ tháng 6..sai người sang nước Thanh  mua kinh Đại tạng cùng luật và luận hơn nghìn bộ để ở tự viện”[3]. Đây là một chứng cứ cho thấy Phật giáo Đại thừa đã khá phát triển ở Đàng Trong, sau khi thiền sư Đại Sán được mời đến Thuận Hoá và lưu trú một thời gian ở chùa Thiên Mụ.
Trong chín đời Chúa Nguyễn, xứ Đàng Trong trải qua một giai đoạn đặc biệt, vừa có được điều kiện thuận lợi để có thể mở rộng bờ cõi thêm về phương Nam, đồng thời, với đường lối  chính trị của các Chúa cũng đã làm cho xã hội Đàng Trong rơi vào một tình trạng bi đát, có liên quan đến đời sống xã hội và tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo.
Xưng Vương năm 1691, Nguyễn Phúc Chu mới có điều kiện thể hiện một số hoạt động Phật sự của mình. Đồng thời với việc khẳng định lấy Phật giáo Bắc tông làm nòng cốt trong hệ tư tưởng và hoạt động trị nước, Chúa NPC còn mời một hòa thượng từ Trung Quốc sang Đại Việt để có thể truyền bá tinh thần Phật giáo một cách sâu rộng hơn.
Sử sách còn ghi lại những họat động nổi bật của Chúa NPC đối với Phật giáo. Sau khi hoà thượng Thạch Liêm trở về Trung Quốc, Chúa đã cúng dường 5 ngàn lượng vàng xây chùa Trường Thọ tại Quảng Đông. Chúa đã ban  biển ngạch và câu đối cho chùa Thập Tháp Di Đà ; ban liễn đối có ghi đạo hiệu của Chúa là Thiên Túng Đạo Nhân cho chùa Quốc Ân; đúc chuông đồng vào năm 1710; Bia đá chùa Quốc Ân do Chúa đề vào năm 1729. Nguyễn Phúc Chu ban cho thiền sư Nguyên Thiều[4] thụy hiệu là Hạnh Đoan thiền sư. Ông còn làm một bài minh khắc vào bia để ca tụng đạo đức vị thiền sư này. Bia đá do Nguyễn Phúc Chu ngự đề tại chùa Thiên Mụ có đọan thơ:
 Dưới khe nước nhảy âm thầm,
Tánh ta trong trẻo êm đềm khác đâu
(..) Dựng bia tiêu biểu nơi đây
Giữ tâm thành chánh chẳng thay đổi nào[5]
Lời thơ khẳng định tâm thành của một vị Chúa.Tuy nhiên, những họat động ấy không đủ khả năng thay đổi tình trạng xã hội thời bấy giờ theo tinh thần Phật giáo. Phải cho đến khi có sự xuất hiện của hòa thượng Thạch Liêm từ Trung Quốc sang Đại Việt.
Năm 1694, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai hai vị sứ là Trần Thiệm Quan và Ngô Tư Quan mang quốc thư sang chùa Trường Thọ (tỉnh Quảng Đông) mời hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) sang Đàng Trong. Trong phần mở đầu của Hải ngoại kỷ sự do Thích Đại Sán sọan, có ghi Bài tựa của Đại Việt Quốc vương Nguyễn Phúc Châu như sau: “ Mùa thu năm Giáp Tuất, ta muốn thụ Bồ tát giới pháp, nối chí Tiên Vương, sai người qua rước, may được hòa thượng nhậm lời. Từ mùa xuân năm Ất Hợi Hòa Thượng qua đến nơi, lưu lại đến mùa hạ năm Bính Tý, được gần gũi hôm sớm, cung dưỡng chuyện trò; sau những lúc giảng luận thiền kinh, còn chỉ vẽ luân thường cương kỷ từ việc lớn đến việc nhỏ, rạch đường chỉ nẻo, lời lẽ rõ ràng; khác nào đắc người từ trong chổ tối tăm, đem ra nơi thanh thiên bạch nhật ; giúp ích cho quả nhơn trong việc chính trị nhiều biết chừng nào.”[6]
Bài tựa còn thể hiện mối quan hệ thân thiết giữa hòa thượng Thạch Liêm và Chúa Nguyễn Phúc Chu qua đoạn văn: “Trong những ngày Quả-nhơn cùng với Lão Hòa Thượng ngao du trong Hương -Thủy Hoa Nghiêm, thì chẳng có gì phân biệt nội ngoại”[7]
Cuối Bài tựa còn cho biết được Chúa viết “vào năm Giáp Tý (tức Khương-Hy năm thứ 35, 696), bồ nguyệt (tháng 5), Đại Việt Quốc vương Nguyễn Phúc Châu, thọ bồ tát giới đệ tử, pháp danh Hưng Long, Kính lễ viết tại Tĩnh -danh phương trượng ở Tây cung Giác vương Nội viện”.
Đàn truyền giới đã được thiết lập ngay sau khi hòa thượng Thạch Liêm sang Đại Việt với 1.400 giới tử. Trong giới đàn này, vào ngày 1 tháng tư năm Ất Hợi 1695 Chúa Nguyễn đã mở cùng lúc 3 đàn truyền giới: Sa Di giới, Tỳ kheo giới và Bồ tát giới. Đàn Bồ tát giới truyền cho các công hầu, tông tộc chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu cũng thọ Bồ tát giới trong một đàn riêng biệt. Thạch Liêm hòa thượng đã đặt pháp danh cho Chúa Hiển Tông là Hưng Long, biệt hiệu Thiên Túng Đạo Nhân.
Chúa NPC đã tâm sự với hòa thượng Thạch Liêm: “ Đệ tử từ bé nghe hai chữ Phật Pháp đã sanh tâm kính ngưỡng, mỗi lúc gặp tu sĩ áo lam tức thì hoan hỷ, chẳng biết kiếp trước là ai? làm phúc nghiệp gì? mà nay sanh ra làm vua ở đây? Xin tôn sư chỉ điểm cho biết, hầu chẳng quên nghiệp trước, dội đức từ bi vô lượng”[8] . Lời tâm sự cho thấy Chúa là người đã am hiểu giáo lý nhân quả, luân hồi trong Phật giáo.
Mối quan hệ giữa hòa thượng và Chúa Nguyễn Phúc Châu cũng đã giúp hòa thượng hiểu rõ hơn nội tình của Xứ Đàng Trong :“Mỗi năm, vào khoảng tháng ba tháng tư quân nhân đi ra các làng bắt dân từ 16 tuổi trở lên, những người cường tráng thì gông lại bằng một cái gông tre, hình như cái thang nhưng hẹp hơn, để giải về phủ sung quân; vào quân đội rồi mỗi người bắt học một nghề, kế phân phái đi theo các chiến thuyền để luyện tập có chiến tranh đem ra đánh giặc, lúc vô sự ở tại vương Phủ, xâu tuổi chưa quá 60 chẳng được về làng cùng cha mẹ vợ con đòan tụ. Hàng năm, thân thích đem áo quần vật thực đến thăm mà thôi. Vì cớ ấy, những dân còn lại ở nhà, tòan gầy yếu tàn tật, chẳng có mấy người mạnh mẽ. Cha mẹ sợ con phải đi lính, vừa lớn lên tức cho vào chùa làm sãi, hầu mong trốn tránh việc quan; do đó bọn khóac áo nhà chùa rất đông, Phật pháp trở nên hỗn lọan,  chẳng những “tôn phái” không ai hỏi đến, mà các việc “ Luật”, “Luận” cũng đều xếp xó bỏ qua; đến đỗi những kẻ mão ni áo tràng, mà nết xấu tật hư, còn quá bọn dân quê ngoài làng mạc! Cho đến những hạng trí thức tự xưng làm thầy người, cũng không cứu vãn được tệ phong, luống phụ lòng kính tin của quốc dân và chùa- thượng. Tai nghe mắt thấy, há nở làm thinh; bèn viết cáo bạch một bài, dán lên các cửa chùa cho mọi người được rõ”[9]. Lời trần tình của hòa thượng Thạch Liêm đã phản ánh rõ nét thực trạng của xứ Đàng Trong qua chính sách của Chúa đối với một vùng đất còn bất an, từ đó đã tạo điều kiện cho tu sĩ Phật giáo ở Đàng Trong chỉ phát triển về số lượng hơn là chất lượng.
Sau khi nắm rõ tình hình xã hội Đàng Trong,  hòa thượng Thạch Liêm đã đưa ra 18 điều, gọi là “Lập Quốc Chánh Ứớc” 18 điều[10], làm quy chế giúp Chúa Nguyễn Phúc Chu trong việc trị nước. Nội dung bao gồm việc thương lính, yêu dân, thông thương, lợi quốc, kỷ cương, pháp độ.. “Vương đọc xong rất mừng, bảo nội quan Chưởng sự rằng: “Nước ta pháp độ dân tình đều chưa được đúng đắn, nay nhờ Lão hòa thượng đem lễ phép Trung Quốc chỉ dạy, liệt trần 18 điều ; nên khắc bản yết lên cửa phủ, hiểu dụ văn võ quan dân đều biết, và khắc 24 thẻ bài, chia lọai nêu rõ. Nếu ai trái điều lệ, phạm phép, cho kẻ bị thiệt hại, cầm thẻ bài đến kêu. Vô luận văn võ quan dân vương thần quốc thích đều cứ pháp luật trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chánh vậy”[11].
Năm 1695, khi hòa thượng Thạch Liêm sang Đại Việt, có ghi lại nhận xét của mình về cung điện của Chúa Nguyễn Phúc Chu rằng “cung điện được trang hòang với cờ Phật giáo, trướng, cá gỗ và những quả chuông lộn ngược, giống như một ngôi chùa Phật giáo vậy”.
Ở ngôi 34 năm, tinh thần yêu nước thương dân của Chúa được  thể  hiện trên chiếc chuông đồng tại chùa Thiên Mụ (Huế) đúc năm 1710 “ Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí”  ( Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ ).
Như vậy, thông qua các họat động của Chúa NPC, Phật giáo ngày càng được khởi sắc, nhất là sau khi hòa thượng Thạch Liêm sang và giúp Chúa trong việc trị nước. Các hoạt động “hộ quốc an dân” ngày càng được thấm nhuần tinh thần Phật giáo, trong đó có việcthương lính, yêu dân. Nếu như trước đây, để củng cố ngôi vị của Chúa, người dân đã bị bắt buộc phải rời xa gia đình, xa người thân yêu suốt cả một cuộc đời, thì nay cách trị nước đã được thay đổi, mang tính nhân bản hơn, nhờ Chúa NPC đã áp dụng hình thức “quản lý xã hội” trong tinh thần Từ Bi và Trí Tuệ của Phật giáo.

2. Ảnh hưởng của hoạt động Phật giáo của Chúa Nguyễn Phúc Chu đối với vùng đất Đàng Trong
Như đã trình bày trên, qua các đời Chúa trị vì ở Đàng Trong, do phải cố gắng duy trì kỷ cương nhằm giữ vững sự an ổn cho vùng đất mới, nên Chúa đã tiến hành việc bắt người dân trẻ tuổi, cường tráng để giải về phủ, sung vào quân đội; bắt học nghề, phân đi theo các chiến thuyền để luyện tập phòng khi có chiến tranh ra đánh giặc; khi  chưa quá 60 tuổi, chẳng được về làng. Cách thức quản lý người dân như vậy, xét về mặt chính trị tuy có chặt chẽ, nhưng sự “phòng xa” đó đã đưa lại nhiều điều phiền muộn cho người dân trong hầu hết các gia đình, đã làm “thất nhân tâm”. Sự xa cách vợ chồng, con cái trong cả một đời người như vậy, không thể tạo được một xã hội an bình, hạnh phúc. Chính nhờ 18 điều  “Lập Quốc Chánh Ứớc”đã giúp giải tỏa được mối lo âu, sự phiền muộn đã kéo dài quá lâu trong người dân Xứ Đàng Trong.
Thành tựu an dân đã được Chúa NPC bộc bạch với hòa thượng Thạch Liêm rằng: “Từ ngày Lão hòa thượng đên đây, trong nước mang ơn được tám chữ “phong điều vũ thuận, quốc thái dân an”; vã lại, các năm trước thuyền ngoại –dương đến buôn, một năm chừng sáu, bảy chiếc, năm nay số thuyền lên đến mười sáu, mười bảy chiếc, trong nước nhờ đó tiêu dùng được dư đũ; ấy đều nhờ phước đức Hòa thượng che chở vậy”[12].
Giải thích về sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong,  nhà sử học Li Tana đã nhận xét “Trong tình hình mới này, các nhà lãnh đạo họ Nguyễn cảm thấy cần phải đưa ra một cái gì đó khác với tín ngưỡng của người Chăm để củng cố các di dân người Việt về mặt tinh thần và tâm lý. Không thể sử dụng Khổng giáo vì những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình. Tuy nhiên, họ Nguyễn lại không dám đi quá xa và không dám tìm ra một giải pháp hoàn toàn khác biệt với truyền thống của người Việt ở phía Bắc. Trong những hoàn cảnh đó, Phật giáo Đại Thừa đã cung cấp một giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ Nguyễn. Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác làm lắng động các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của những người cai trị”[13]
Các chúa Nguyễn đã tạo nhiều thuận lợi cho Phật giáo Đàng Trong phát triển, thông qua sự du nhập trực tiếp của các thiền sư Trung Hoa vào Trung và Nam bộ. Điều này cũng góp phần chứng minh cho ảnh hưởng nhạt dần của các ngôi chùa do thiền sư Trung Hoa đặt nền móng ở phía Bắc, trong khi hiện nay, khắp Nam bộ vẫn còn khá nhiều ngôi chùa do người Trung Hoa xây dựng, vẫn đang tiếp tục họat động thông qua dòng phái Lâm Tế,Tào Động. Như vậy, đã có 2 trong 5 phái (ngũ gia tông phái) phổ biến tại Trung Quốc đã du nhập và phát triển ở Đàng Trong.
      Cũng có thể thấy rằng, thời Chúa NPC, những họat động Phật giáo mà Chúa đã thực hiện, chỉ là “bề nổi”.Việc ghi khắc bi ký, ban bản ngạch, biển vàng khắp các chùa ở Thuận Hóa cũng chỉ là để khẳng định với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài về quyền lực của mình khắp nơi trong vùng đất Đàng Trong, chứ chưa đủ chứng cứ để cho thấy một Phật giáo đã thắm sâu vào người dân xứ này. Hay như việc thọ giới của 1.400 giới tử ở Huế và 300 giới tử ở Hội An chỉ là sự khởi đầu của một đạo Phật mới bắt đầu tiếp cận được với đại chúng.
Trong tác phẩm Truyện Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh[14] cũng cho thấy rõ hơn tình trạng Phật giáo Đàng Trong giai đoạn sau này, khi Chúa NPC đã qua đời, qua cuộc đối thoại giữa một tăng sĩ (sãi) và một ni cô (vãi), có đọan viết: “Chiếu du trơn như mỡ; thuốc lá ướp hoa ngâu; Rượu hồng cúc ngàu ngàu; trà mỹ xuân phức phức. Sẳn đồ, sẳn đạc, sẳn vãi, sẳn thầy; Thóat liêu sau cho gần đó gần đây; vào cùng Sãi đặng tu hoài tu hủy”[15]
Đánh giá chung về Phật giáo Đàng Trong hai thế kỷ 17 và 18, cũng có nhận định rằng “Dưới thời chúa Nguyễn và các vua đầu triều Nguyễn, với định chế chùa chúa, chùa vua xuất hiện, giới tăng lữ chịu sự chi phối khá chặt chẽ của nhà cầm quyền. Đặc biệt là vị trụ trì các chùa lớn (Tăng cang) đều do triều đình bổ nhiệm qua sắc chỉ của vua. Tính cách quần chúng của Phật giáo nước ta do đó chưa có gì rõ rệt trong suốt thế kỷ 18.”[16] Vì vậy, chúng tôi chưa thật sự đồng tình với nhận định của Lê Đình Cai khi cho rằng: “Khi mất, Chúa đã để lại rất nhiều công trình xây cất về đền đài, dinh thự và đạo Phật thật sự đã được phục hưng lại với vị trí cũ giống như của thời Lê Lý trước đây”[17]

Tóm lại, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, Phật giáo Đàng Trong đã có được nhiều thuận lợi để phát triển, nhất là sau khi có sự xuất hiện của hòa thượng Thạch Liêm từ Trung Quốc sang. Đó là một nền Phật giáo, buổi đầu được hình thành từ sự khẳng định quyền lực của Chúa Nguyễn ở vùng đất mới. Vương quyền và thần quyền đã nhập làm một. Chúa NPC, tuy có am hiểu về giáo lý Phật giáo, nhưng để củng cố vương quyền của mình, các họat động Phật giáo chỉ có ở tầng lớp trên, ở hình thức, ở số lượng. Sau đó, cùng với sự thay đổi cung cách quản lý xã hội theo tinh thần Từ Bi và Trí Tuệ của Phật giáo, đạo Phật đã dần được đi vào đại chúng, tuy nhiên vẫn chưa thực sự rõ rệt, bởi vì với một thiết chế Phật giáo như lúc bấy giờ, từ việc bổ nhiệm chức sắc, đến việc phong Tăng cang.. thảy đều do Vua Chúa thực hiện thông qua các sắc chỉ. Chính hạn chế của thời đại đã làm cho Phật giáo chưa thể thóat ra khỏi ảnh hưởng của cung đình để mang màu sắc dân giã, và cũng chính vì vậy, ở một mức độ nhất định, Phật giáo Việt Nam thế kỷ 17-18 vẫn chưa thực sự mang ý nghĩa có mặt là vì con người và cho con người!

Title: Minh vương Nguyễn Phúc Chu với việc phát triển Phật giáo đàng trong
Authors: Tạ, Quốc Khánh
Keywords: Phật giáo;Nguyễn Phúc Chu
Issue Date: 2012
Publisher: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Description: Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Số 2/2012 ; 4 tr. ; TNS07693
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/55172
Appears in Collections:Nghiên cứu Phật học và Phật hoàng Trần Nhân Tông (LIC)

Nhận xét