Quá trình thành tạo vật liệu trầm tích



Trầm tích là các chất có thể được các dòng chảy chất lỏng vận chuyển đi và cuối cùng được tích tụ thành một lớp trên bề mặt hoặc đáy của một khu vực chứa nước như: biển, hồ, sông, suối,... Quá trình trầm tích là một quá trình tích tụ và hình thành các chất cặn lơ lửng để tạo nên các lớp trầm tích.


Các trầm tích cũng được gió và các tảng băng vận chuyển đi. Những khu sa mạc, hoang thổ là những ví dụ về trầm tích do gió tạo ra. Các vụ sụp đổ do trọng lực cũng tạo ra các trầm tích đá như ở các khu vực carxtơ.


Ao, hồ, biển, sông là nơi tích lũy các lớp trầm tích theo thời gian chúng chuyển thành đá trầm tích. Các đá trầm tích có thể chứa hóa thạch. Các trầm tích cũng là nơi tạo ra các nhiên liệu hóa thạch như: than đá, khí thiên nhiên, dầu mỏ.Vật liệu trầm tích được tạo ra do quá trình phong hóa và phá hủy kiến tạo. Sản phẩm của phá huỷ kiến tạo được sinh ra gắn liền với chuyển động của vỏ Trái Đất như đứt gãy, chuyển động khối tảng, nén ép nâng trồi, tạo núi và quá trình sụt lún nhiệt tạo các bồn trũng trầm tích. 


Chúng ta dễ dàng nhận thấy các vật liệu có kích thước lớn từ hàng decimet trở lên như khối, tảng xếp chồng chất ngổn ngang ở bờ biển Quy Nhơn, Khánh Hoà, Phú Quốc, Bắc Cửa Lò - Nghệ An v.v... đến các vật liệu khối, tảng, cuội, sỏi được mài tròn nằm trên các lòng suối và thượng nguồn các con sông đến các vật liệu dăm, sạn sắc cạnh rất phổ biến trên các sườn núi và thung lũng kiến tạo. Chúng là sản phẩm nghiền nát của đá gốc trải qua nhiều giai đoạn, phân bố ở ranh giới các mảng, vi mảng và các khối tảng kiến tạo.

Nhận xét