Pháp luật về hoạt động công bố thông tin của tổ chức phát hành chứng khoán ở Việt Nam



Ngày 06 tháng 10 năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; áp dụng đối với:
- Công ty đại chúng, tổ chức phát hành trái phiếu (ngoại trừ tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương);
- Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, quỹ đại chúng;
- Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam;
- Nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin theo quy định pháp luật;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.



Cổng thông tin doanh nghiệp giới thiệu những quy định chung về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Về nguyên tắc, việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định pháp luật. Đối tượng công bố thông tin phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin công bố, bảo quản, lưu giữ thông tin đã báo cáo, công bố*. Việc công bố các thông tin cá nhân (Thẻ căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân hoặc số Hộ chiếu còn hiệu lực, địa chỉ liên lạc, địa chỉ thường trú, số điện thoại, số fax, email, số tài khoản giao dịch chứng khoán, số tài khoản lưu ký chứng khoán, số tài khoản ngân hàng) chỉ được thực hiện nếu chủ thể liên quan đồng ý. Các đối tượng thực hiện công bố thông tin khi công bố thông tin phải đồng thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán nơi chứng khoán đó niêm yết, đăng ký giao dịch về nội dung thông tin công bố, bao gồm đầy đủ các thông tin theo quy định. Ngôn ngữ thông tin công bố trên thị trường chứng khoán là tiếng Việt.
Các đối tượng công bố thông tin là tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin thông qua 01 người đại diện theo pháp luật hoặc 01 cá nhân là người được ủy quyền công bố thông tin của tổ chức đó. Nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin là cá nhân có thể tự thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin hoặc ủy quyền cho 01 tổ chức (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng, thành viên lưu ký, Trung tâm lưu ký chứng khoán hoặc tổ chức khác) hoặc 01 cá nhân khác thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin theo quy định của Thông tư này và pháp luật chứng khoán hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc công bố thông tin của quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng do công ty quản lý quỹ thực hiện.


Phương tiện công bố thông tin bao gồm: trang thông tin điện tử (website) của tổ chức là đối tượng công bố thông tin**; Hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán; các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định pháp luật (báo in, báo điện tử...).
Đối tượng công bố thông tin được tạm hoãn công bố thông tin trong trường hợp vì những lý do bất khả kháng (thiên tai, hỏa hoạn,...). Trong trường hợp này, đối tượng công bố thông tin phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán về việc tạm hoãn công bố thông tin ngay khi xảy ra sự kiện, trong đó nêu rõ lý do của việc tạm hoãn công bố thông tin, đồng thời công bố về việc tạm hoãn công bố thông tin. Ngay sau khi đã khắc phục được tình trạng bất khả kháng, đối tượng công bố thông tin có trách nhiệm công bố đầy đủ các thông tin mà trước đó chưa công bố theo quy định pháp luật.


Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về công bố thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và thay thế Thông tư số 52/2012/TT-BTC ngày 05 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Cổng thông tin doanh nghiệp sẽ giới thiệu về việc công bố thông tin của các đối tượng cụ thể trong bản tin “Nội dung công bố thông tin trên thị trường chứng khoán” (Hồng Liên).
* Các thông tin công bố định kỳ phải được lưu giữ dưới dạng văn bản (nếu có) và dữ liệu điện tử tối thiểu 10 năm. Các thông tin này phải được lưu giữ trên trang thông tin điện tử của đối tượng công bố thông tin tối thiểu là 05 năm. Các thông tin công bố bất thường hoặc theo yêu cầu phải lưu giữ trên trang thông tin điện tử của đối tượng công bố thông tin trong tối thiểu 05 năm.
** Các tổ chức khi lập trang thông tin điện tử phải báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán và công khai địa chỉ trang thông tin điện tử và mọi thay đổi liên quan đến địa chỉ này trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất việc lập trang thông tin điện tử hoặc khi thay đổi địa chỉ trang thông tin điện tử này. Trang thông tin điện tử phải có các nội dung về ngành, nghề kinh doanh và các nội dung phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp và mọi thay đổi liên quan tới các nội dung này; chuyên mục riêng về quan hệ cổ đông (nhà đầu tư), trong đó phải công bố Điều lệ công ty, Quy chế quản trị nội bộ (nếu có), Bản cáo bạch (nếu có) và các thông tin công bố định kỳ, bất thường và theo yêu cầu quy định tại Thông tư này. Trang thông tin điện tử phải hiển thị thời gian đăng tải thông tin, đồng thời phải đảm bảo nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận được các dữ liệu trên trang thông tin điện tử đó.
Mời các bạn quan tâm đến đề tài tìm hiểu luận văn cùng chủ đề “Pháp luật về hoạt động công bố thông tin của tổ chức phát hành chứng khoán ở Việt Nam” của tác giả Phan Thị Thùy Trang tại đường link http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/14612

Nhận xét